Hiển thị các bài đăng có nhãn xe-oto. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn xe-oto. Hiển thị tất cả bài đăng

Số lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc giảm nghiêm trọng

Những mẫu xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về thị trường Việt Nam đang sụt giảm tới quá nửa.

Trong tháng 1, lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào thị trường Việt Nam đã giảm xuống hơn một nửa và về số lượng và trị giá. Cùng với đó, lượng tiêu thụ ở thị trường trong nước cũng giảm xuống đáng kể so với tháng trước.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải Quan, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) các loại vào Việt Nam trong tháng 1/2016 chỉ dừng ở mức 5.855 chiếc, giảm gần 60% so với tháng 12/2015 và giảm 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ giảm mạnh về số lượng, trị giá các dòng xe nhập khẩu trong tháng 1 cũng giảm đáng kể khi kivừa qua đạt 149,2 triệu USD, giảm 62,4% so với tháng 12/2015 và hơn 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.


Lượng nhập khẩu xe CBU giảm mạnh trong tháng 1.

Ngoài nhập khẩu nguyên chiếc, tình hình nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô trong tháng đầu tiên của năm nay cũng giảm. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu linh kiện và phụ tùng về thị trường trong nước chỉ đạt 228 triệu USD, giảm 25,7% so với tháng 12/2015. Tuy nhiên, tăng nhẹ (8,6%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về nguồn gốc xuất xứ, trong tháng đầu tiên của năm 2016, thị trường nhập khẩu ô tô vào Việt Nam chủ yếu vẫn là từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc. Đáng chú ý, lượng xe nhập từ thị trường Trung Quốc đã giảm xuống trong tháng 1.

Về lý do lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm sâu trong tháng 1/2016, nhiều nhà nhập khẩu xe cho biết, thị trường ô tô đã ít nhiều bị tác động do ảnh hưởng từ việc Thuế tiêu thụ đặc biệt được thay đổi theo cách tính mới khi Nghị định 108/2015/NĐ-CP. Khi Nghị định mới chính thức có hiệu lực từ 1/1/2016 thì các loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc không còn được tính trên giá CIF + thuế nhập khẩu như trước đây mà phải tính trên giá bán buôn của nhà nhập khẩu. Theo Nghị định mới, hầu hết giá bán lẻ của các mẫu xe nhập khẩu đều bị ảnh hưởng, trong đó, giá bán của các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc bị tác động nhiều nhất.

Để “né” thuế và tránh tình trạng điều chỉnh giá gây ảnh hưởng đến tâm lý người mua, đặc biệt ở thời điểm cận Tết, nhiều nhà nhập khẩu đã tranh thủ nhập khẩu trước để dự trữ một lượng xe tại đại lý (sau khi đã bán sỉ) để phục vụ bán lẻ đến khách hàng trong tháng 1 và để không phải chịu cách tính thuế nặng hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lượng nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm xuống khá mạnh trong tháng vừa qua.

Tuy nhiên, dù các doanh nghiệp bán hàng đã tìm nhiều cách “né” thuế nhưng việc điều chỉnh giá là điều không thể bàn cãi. Đặc biệt là đối với các dòng xe sang nhập khẩu nguyên chiếc vốn đã có giá nhập khẩu khá cao.

Ngoài ra, thuế tăng và việc điều chỉnh giá do thuế cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý đối với nhiều người dùng Việt dù tháng 1 là thời điểm cận Tết. Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA), trong tháng 1/2016, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 23.165 xe. Với doanh số này, sức mua của thị trường Việt đã giảm xuống khá mạnh, giảm tới 21% so với tháng 12/2015. Trong đó, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm sâu khi chỉ tiêu thụ được 5.786 xe trong tháng 1, giảm tới 45% so với tháng trước đó.

Xe sedan ngày càng mất thị phần

Những chiếc xe sedan đã không còn giữ được vị thế trên thị trường hiện nay và phải nhường bước cho những dòng xe hợp thị hiếu hơn.
Tháng đầu tiên của năm 2016 vừa đi qua, thị trường tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng của phân khúc bán tải và CUV, trong khi những chiếc sedan đang tự lui dần khỏi bảng xếp hạng 10 dòng xe bán chạy.
Đối với ngành công nghiệp ôtô, có thể nói sedan là dòng xe phổ biến nhất. Trừ những thương hiệu khác biệt như Lamborghini, Ferrari, Koenigsegg,... thì hầu hết, sedan luôn có trong danh mục sản phẩm của các nhà sản xuất.


Sedan là dòng xe phổ biến nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ôtô.

Năm 2014, bảng xếp hạng 10 dòng xe bán chạy nhất mọi thời đại được công bố, sedan chiếm đến 6. Bao gồm Chevrolet Impala, Volkswagen Passat, Honda Accord, Honda Civic, Ford Escort và “ông hoàng” Toyota Corolla. Minh chứng cho sự gắn liền giữa lịch sử ngành công nghiệp ôtô và dòng xe có động cơ, khoang hành khách và khoang chứa đồ tách biệt.

Việt Nam không phải ngoại lệ. Những cái tên nổi tiếng như Toyota Camry, Toyota Corolla, Toyota Vios, Honda Civic hay Daewoo Lacetti đã thể hiện rõ sự hưng thịnh ở phân khúc sedan những năm trước đây. Tuy nhiên, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi. Những tiêu chí đặt ra trước khi mua xe đã hướng nhiều vào giá trị sử dụng, không còn quá coi trọng vào hình thức, khiến cho phân khúc sedan đang dần bị thất sủng.

Tháng đầu tiên của năm 2016 vừa đi qua, doanh số tiếp tục thể hiện rõ hướng đi tương lai của thị trường. Toyota Vios vẫn giữ vị trí số 1 nhưng khách hàng phần lớn là các hãng taxi, phục vụ mục đích kinh doanh. Cặp đôi Toyota Camry và Toyota Altis “vắng bóng”, Mazda3 và Kia K3 nằm ở nửa dưới. Nhường chỗ cho sự lên ngôi của dòng xe bán tải và CUV.

Xe bán tải và CUV đang lên ngôi.

Tính riêng khu vực tầm giá 1 tỷ đồng. Năm 2015, phân khúc sedan chỉ tăng trưởng ở mức 19,1% so với năm 2014 (theo báo cáo VAMA). Thậm chí số lượng bán ra của Toyota Camry còn sụt giảm 6 đơn vị. Trong khi phân khúc CUV lại có được thành công với mức tăng 34,9%.

Ở những lựa chọn thấp hơn, thị trường có 2 ngôi sao sáng là Mazda3 và Kia K3 cùng mức tăng đều của Toyota Vios. Doanh số cộng dồn xe hạng B và C trong năm 2015 là 33.529 chiếc, cao hơn nhiều so với 16.670 chiếc ở phân khúc xe bán tải. Nhưng nếu so sánh với năm 2014 về tăng trưởng thì con số 73,6% (xe bán tải) lại cao hơn 52,7% của phân khúc sedan hạng B và C.

Cũng trong năm 2015, các nhà sản xuất đua nhau tấn công vào phân khúc SUV. Hyundai lần lượt giới thiệu i20 Active, Creta và Tucson 2016. Kia mang đến Sportage. Cùng với đó là Suzuki Vitara và Renault Duster. Gần đây Mazda đưa phiên bản 2016 của CX-5 về Việt Nam, tiếp tục cuộc đua với Honda CR-V.
Thị trường bán tải còn sôi động hơn. “Ông lớn” Ford, Nissan, Mitsubishi, Toyota, Mazda đều tăng nhiệt cho sản phẩm bằng cách giới thiệu phiên bản mới. Thay đổi thiết kế, trang bị và được ưu đãi thuế phí là những lý do khiến doanh số những chiếc sedan cùng tầm giá chững lại.

Vấn đề sedan mất sức hút trong tương lai không thuộc về phía nhà sản xuất mà vì bản thân chiếc xe. Sedan có tầm nhìn hẹp, không gian chứa đồ ít và gầm xe thấp, không phù hợp cho nhiều địa hình hay những chuyến đi dài ngày. CUV làm tốt được những điều trên, thậm chí nội thất cũng sang trọng không kém. Có người nói rằng, “Tôi chỉ thấy người ta đổi xe từ sedan sang CUV hoặc SUV chứ chưa thấy ngược lại bao giờ”.

Không chỉ tại Việt Nam, xu hướng này đang bao trùm ngành công nghiệp ôtô tại nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là thị trường Mỹ, nơi xe bán tải là lựa chọn của số đông, CUV tăng trưởng nhanh, còn sedan lại “dậm chân tại chỗ”.

Năm 2015, xe bán tải và CUV chiếm 59% thị phần ôtô tại nơi đây. Toyota cho biết, trong tương lai, doanh số hàng năm của RAV4 sẽ vượt qua Camry do thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ đang thay đổi. Mức tăng trưởng trong năm 2015 của Camry chỉ vỏn vẹn có 0,2% trong khi RAV4 là 17,8%. Hơn nữa, thương hiệu Nhật Bản đã phải tăng nhân công và nhà máy để cung ứng kịp nhu cầu của khách hàng đối với 2 dòng xe bán tải Toyota Tundra và Toyota Tacoma.

Những mẫu xe ô tô hợp túi tiền nhất trong từng phân khúc

Những mẫu xe ô tô có giá bán hợp túi tiền nhất tại từng phân khúc, đặc biệt có rất nhiều mẫu đều đến từ hãng Honda.
Điều thú vị là trong danh sách những mẫu xe hợp túi tiền nhất, có không dưới 13 cái tên đến từ Nhật Bản.



Khi tìm hiểu dữ liệu của US News và dự đoán giá bán trên trang TrueCar, bạn sẽ biết số tiền trung bình là một người phải trả cho chi phí mua xe mới, vận hành và sở hữu. Trong đó, chi phí sở hữu bao gồm tiền nhiên liệu, bảo hiểm và sửa chữa trong vòng 5 năm.

Cộng tất cả lại với nhau, bạn sẽ biết được đâu là mẫu xe hợp túi tiền nhất trong các phân khúc như danh sách dưới đây. Điều thú vị là trong danh sách này, có không dưới 13 mẫu xe Nhật Bản. Trong khi đó, chỉ có 6 mẫu xe Mỹ, 1 xe châu Âu và 1 xe Hàn Quốc.

Cùng điểm danh các mẫu xe hợp túi tiền nhất trong các phân khúc:

Phân khúc subcompact: Honda Fit

Phân khúc xe cỡ nhỏ: Honda Civic

Phân khúc xe cỡ nhỏ cao cấp: Audi A3

Phân khúc xe hatchback: Honda Fit

Phân khúc cỡ trung: Toyota Camry

Phân khúc xe cỡ trung cao cấp: Acura TLX

Phân khúc xe cỡ lớn: Chevrolet Impala

Phân khúc xe hybrid: Ford Fusion Hybrid

Phân khúc xe thể thao: Mazda MX-5

Phân khúc xe wagon: Toyota Prius V

Phân khúc xe SUV subcompact: Honda HR-V

Phân khúc xe SUV subcompact cao cấp: BMW X1

Phân khúc xe SUV cỡ nhỏ: Hyundai Tucson

Phân khúc xe SUV cỡ nhỏ cao cấp: Lexus NX

Phân khúc SUV 2 hàng ghế: Nissan Murano

Phân khúc SUV 2 hàng ghế hạng sang: Lincoln MKX

Phân khúc SUV 3 hàng ghế: Honda Pilot

Phân khúc SUV 3 hàng ghế hạng sang: Acura MDX

Phân khúc SUV cỡ lớn: Chevrolet Traverse

Phân khúc SUV hybrid: Toyota RAV4 Hybrid

Phân khúc minivan: Honda Odyssey

Phân khúc xe bán tải cỡ lớn: RAM 1500



Phân khúc xe bán tải cỡ trung: Chevrolet Colorado

Đến năm 2018, giá Ôtô Việt Nam vẫn không hề rể

Nhiều năm gần đây, Việt Nam gia nhập nhiều tổ chức thương mại quốc tế. Theo lộ trình hiệp ước giá ôtô Việt Nam sẽ giảm xuống mức 0%. Tuy nhiên, điều đó nhường như không chính xác.



Sang 2015, sức nóng của câu chuyện giá xe càng lên cao khi Việt Nam kết thúc đàm phán những Hiệp định thương mại khác. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu quy định thuế suất nhập khẩu ôtô từ châu Âu về Việt Nam sẽ giảm còn 0% sau 10 năm.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng quy định ôtô tải và xe con dung tích từ 3 lít trở lên nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm thuế về 0% sau 10 năm.

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ràng buộc ôtô là một trong những mặt hàng có lộ trình dỡ bỏ thuế muộn nhất, theo đó thuế nhập khẩu ôtô từ các nước thành viên sẽ về 0% sau 10 năm nữa.

Những thông tin này mở ra một hy vọng cho khách hàng Việt, rằng giá ôtô sẽ giảm, ít nhất là từ 2018. Bởi lẽ, thuế nhập khẩu là một trong những gánh nặng lớn nhất đè lên giá xe bán ra tại thị trường Việt Nam.

Khi vấn đề “giá xe đến 2018 có giảm không?” được đưa ra thảo luận tại diễn đàn Xe của VnExpress, nhận được rất nhiều quan tâm của độc giả. Trong đó, hầu hết các độc giả đều có cái nhìn không mấy tươi sáng, khi tin rằng dù thuế nhập khẩu có giảm thì giá xe cũng không thể giảm tương ứng. Thuế nhập khẩu là thứ duy nhất Chính phủ phải tuân theo vì cam kết với nước ngoài, nhưng các công cụ nội địa khác thì hoàn toàn tự quyết.

“Thuế giảm nhưng ‘đừng mơ’ giá xe giảm”, “Đừng trông chờ chính sách khi mua xe hơi ở Việt Nam”, “Giá ôtô sau 2018 vẫn bằng 2015 theo cách tính thuế mới”… là những ý kiến mà đa số độc giả đều ủng hộ. Lập luận mà độc giả đưa ra đều cho rằng, thuế nhập khẩu không phải là công cụ duy nhất ảnh hưởng tới giá xe, vì thế sẽ khó để giá xe giảm.

Từ nhiều năm qua, ôtô vẫn được coi là mặt hàng xa xỉ, vì thế đánh thuế rất cao ở mọi loại thuế phí như giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trước bạ cùng gần 10 loại phí khác. Ngoài ra, xe nhập khẩu còn thiệt thòi hơn nữa khi chịu rào cản thuế nhập khẩu, vốn đánh rất cao để bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Anh Minh Tuấn, người có kinh nghiệm lâu năm kinh doanh xe nhập khẩu cho rằng, viễn cảnh Việt Nam có giá xe giảm trong tương lai gần 4-5 năm nữa khó xảy ra. Bởi lẽ, tương quan về thu nhập của người dân, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vẫn chưa đồng bộ để phát triển loại phương tiện này.


Cũng chính từ thực tế này, các hãng lắp ráp thuộc VAMA kiến nghị lên chính phủ những chính sách mới có lợi cho xe lắp nhưng gây khó cho xe nhập. Hệ quả lợi ích giữa các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập và lắp càng tiến xa về hai cực, không tìm thấy điểm chung.Vấn đề giá xe liệu có giảm, và nếu giảm thì các hãng sản xuất có chuyển sang nhập khẩu cũng là câu hỏi được giới truyền thông đưa ra cho các hãng xe lắp ráp tại Việt Nam. Đứng trước hoàn cảnh này, đại diện các ông lớn như Toyota, Ford hay Honda chỉ trả lời nước đôi, rằng sẽ làm hết sức đóng góp cho ngành sản xuất Việt Nam, nhưng vấn đề lợi nhuận vẫn đặt lên hàng đầu, tức nếu giá xe nhập giảm thì hãng sẽ chuyển sang thuần nhập khẩu, đòi hỏi những chính sách có lợi từ chính phủ để duy trì sản xuất.

Tới thời điểm này, chính sách đầu tiên chính thức phê duyệt là Nghị định 108 quy định về sửa đổi một số điều luật thuế TTĐB có hiệu lực từ 1/1/2016. Theo đó, thời điểm tính thuế TTĐB đổi từ giá vốn sang giá bán buôn. Nếu trước đây thuế tính trên giá vốn thì từ đầu 2016 thuế tính trên giá bán buôn, tức là giá vốn cộng thêm phần chi phí vận chuyển, quảng cáo, bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo cách tính mới, mức thuế TTĐB doanh nghiệp phải đóng sẽ tăng lên, do đó bắt buộc phải tăng giá bán để đảm bảo lợi nhuận. Các nhà kinh doanh sẽ điều chỉnh giá cho phù hợp từ đầu 2016. Mức tăng thêm phụ thuộc vào từng loại xe và cách mà nhà phân phối thương thuyết với cơ quan thuế.

“Chúng tôi không thể nghĩ đến việc Chính phủ thay đổi thời điểm tính thuế TTĐB”, đại diện một nhà kinh doanh xe nhập khẩu chính hãng cho biết, cảm thấy ngỡ ngàng khi chỉ một công cụ là thuế TTĐB lại có nhiều cách để tác động.

“Xe nhập khó có cửa sáng vì còn rất nhiều công cụ thuế, phí và hàng rào về kỹ thuật, tài chính mà Chính phủ có thể thay đổi để không cho giá xe giảm, thậm chí tăng”, vị này phân tích thêm.

Bên cạnh thời điểm thay đổi, thuế TTĐB còn có khả năng thay đổi thuế suất cũng vào đầu 2016, trong đó những xe từ 2 lít trở lên tăng mạnh theo dự thảo như bảng dưới:




Trong bản nội dung mà Chính phủ trình Quốc hội thảo luận hồi giữa tháng 10, các xe có dung tích dưới 2 lít giảm thuế mạnh từ 45% về còn 20-25%, mở ra triển vọng giá xe cỡ nhỏ có thể giảm gần 18%, đây là dòng xe mà các doanh nghiệp lắp ráp đang đẩy mạnh.

Tuy nhiên, sau khi thảo luận, cơ hội đó dập tắt không chỉ cho xe nhập mà cả xe lắp. Lập luận của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dòng xe dưới 2 lít vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng xe nhập khẩu, do đó thuế suất TTĐB áp dụng không nên giảm sâu ngay lập tức từ 45% về 20-25% mà chỉ nên giảm nhẹ 5%, về mức 40%.

Mức thuế TTĐB cho xe dưới 2 lít sẽ giảm theo lộ trình từ 2016 còn 40%, từ 2018 còn 30% và từ 2019 còn 20%. Vào thời điểm 2018, cơ hội giảm giá duy nhất chỉ dành cho xe dưới 2 lít theo diện lắp ráp trong nước vì không chịu thuế nhập khẩu. Nếu những thuế, phí khác không thay đổi, mức giảm giá có thể kỳ vọng khoảng 10%.


Doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu lo lắng ngoài thuế TTĐB, Việt Nam còn can thiệp vào những công cụ khác như hàng rào kỹ thuật, yêu cầu về tài chính, kho bãi của đại lý để hạn chế. Trong khi đó, hãng lắp ráp yên tâm hơn khi mọi chính sách đều hướng tới bảo hộ ngành nội địa. Tuy nhiên, về mặt kinh doanh thì ngay cả xe lắp cũng khó có cuộc cách mạng về giá.“Triển vọng này khó xảy ra, bởi nếu người dân dễ mua xe hơi, Chính phủ sẽ lo lắng về lượng phương tiện tăng cao, lại đánh thêm các thuế, phí để hạn chế”, một chuyên gia trong ngành phân tích. Thực tế đã chứng minh, dù hiện tại doanh số thị trường xe hơi Việt Nam còn khá nhỏ nhưng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã có những mức thuế phí cao hơn hẳn địa phương khác (đăng ký biển số, trước bạ) nhằm hạn chế, mà hai thành phố này lại chiếm phần lớn lượng xe bán ra ở Việt Nam.

Yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới giá xe hơi tại Việt Nam không phải là thuế nhập khẩu, thuế TTĐB hay bất cứ loại thuế phí nào khác, vì thực chất đó chỉ là công cụ để điều tiết thị trường. Giá xe phụ thuộc lớn nhất vào ý chí của cơ quan quản lý, khi nào ôtô còn là mặt hàng “cần hạn chế tiêu dùng”, khi đó giá xe vẫn còn cách xa mức thu nhập của người dân.

Giá ôtô ở Singapo, Cu ba và Việt Nam đắt nhất thế giới

Có thể nói, giá ôtô ở Việt Nam đắt nhất thế giới bởi mức đánh thuế khá cao, nhiều thứ thuế nên đẩy giá một chiếc ôtô giá khá cao tăng gấp đôi thậm chí gấp ba giá thực tế của nó. Còn Cu ba và Singapo thì sao? Chúng ta cùng tìm hiểu.

Dựa trên mức giá so sánh với thị trường Mỹ, chuyên trang về ôtô Jalopnik đưa ra danh sách 10 nước có giá xe hơi đắt nhất thế giới. Danh sách này không có Việt Nam, nhưng nếu xét ở mức tương đương, giá xe ở Việt Nam đang thuộc hạng đắt nhất, nhì thế giới – chỉ đứng sau những đất nước “đặc biệt” như Cuba hay Singapore.


Giá xe ở Singapore vốn đắt đỏ nổi tiếng thế giới. Nguyên nhân giá xe cao ngất ngưởng là bởi đất nước này quá giàu trong khi diện tích lại nhỏ hẹp, không thể để xe hơi lưu thông tự do nếu không muốn “bội thực” phương tiện.

Ở quốc gia chỉ có 718 km2 với dân số khoảng 5,5 triệu người, GDP bình quân đầu người 55.000 USD, giá Toyota Camry khoảng 122.000 USD, nhưng chỉ được lái trong 10 năm, nếu muốn lái 10 năm nữa, người dùng cần chi trả thêm 60.000 USD.

Còn ở Cuba, Đầu 2014, đất nước này bỏ giới hạn sắm ôtô. Trước đây, chỉ có ca sĩ, bác sĩ hay vận động viên… được cấp giấy phép mua xe, tùy thuộc lượng ngoại tệ mà những người này kiếm được.

Hyundai Santa Fe đời 2009 - 2010 có giá khoảng 90.000 USD tại đây, tức đắt khoảng gấp đôi so với Santa Fe mới ở Việt Nam. Trong khi xe mới như Peugoet 508, cùng phân khúc Camry, có giá “không tưởng” là 262.000 USD. Tại Việt Nam, Peugeot 508 bán với giá gần 1,6 tỷ đồng, khoảng 70.000 USD, bằng 27% so với giá xe này tại Cuba.

Khi so sánh ngang giá các mẫu xe ở mỗi nước trong top 10 nước có giá xe hơi đắt nhất thế giới mà Jalopnik thống kê, hầu hết các nước còn lại đều có giá ngang hoặc rẻ hơn ở Việt Nam.

Như vậy là dù thu nhập bình quân đầu người chưa nổi 2.000 USD/năm, vẫn thuộc diện nước nghèo, thế nhưng Việt Nam lại đang là quốc gia có giá xe hơi thuộc vào loại đắt nhất thế giới, gấp 2 đến 3 lần so với các nước phát triển và khoảng 1,5 lần so với các nước trong khu vực.